KCN TLIP 2

KCN Thăng Long (TLIP) được thành lập năm 1997 với chủ đầu tư là Công ty TNHH KCN Thăng Long; đây là liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty Cơ khí Đông Anh (Việt Nam).
 

Tọa lạc tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, TLIP sở hữu tổng diện tích 280ha. KCN có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn ngang tầm quốc tế. Đến thời điểm hiện nay, TLIP đã được lấp đầy 100% diện tích đất với 67 nhà máy sản xuất công nghiệp đến từ Nhật Bản; các dự án trên có tổng vốn đầu tư 1,95 tỷ USD và đang thu hút khoảng 55.500 lao động.

Được xây dựng theo tiêu chuẩn của một KCN xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững, vì vậy công tác bảo vệ môi trường trong KCN được hai bên liên doanh rất quan tâm, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung (XLNTTT) và trồng cây xanh xung quanh KCN. Khi bắt đầu tiếp nhận các nhà đầu tư vào thuê đất, TLIP đã đưa ra qui định các chỉ tiêu bắt buộc về tiêu chuẩn nước thải, nước sinh hoạt, độ bụi, ô nhiễm tiếng ồn,… i vào hệ thống chung của KCN.
Trạm XLNTTT trong TLIP (STP3) với công suất 3.000m3/ngày đêm có công nghệ xử lý hiện đại bằng công nghệ vi sinh và hệ thống màng lọc Membrane lớn nhất Đông Nam á. Tổng lượng nước sạch tiêu thụ khoảng 19.500m3/ngày; tổng khối lượng nước thải trung bình 18.500m3/ngày, phát sinh từ nước thải công nghiệp và sinh hoạt.
TLIP rất quan tâm đầu tư, quản lý công tác bảo vệ môi trường và XLNTTT:
– Về việc quản lý và xử lý chất thải lỏng: Công ty đã lắp đặt đầy đủ, kiểm tra chạy thử các thiết bị xử lý nước thải và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp giấy “Xác nhận cho Hệ thống xử lý nước thải STP3 của Công ty TNHH Thăng Long đi vào hoạt động”.
– Quản lý và xử lý khí thải, mùi: Các nhà máy trong KCN Thăng Long tự lắp đặt hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí cho các khu vực nhà trạm gây ra khói, bụi, mùi hay các phân tử có thể gây ô nhiễm khí quyển trong quá trình sản xuất. Các loại khí thải phải tuân thủ theo tiêu chuẩn QCVN 05:2009/BTNMT; QCVN 06:2009/BTNMT; QCVN 19:2009/BTNMT; QCVN 20:2009/BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và các văn bản điều chỉnh.
– Quản lý và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại: Công ty TNHH KCN Thăng Long bố trí địa điểm tạm lưu giữ và trung chuyển chất thải rắn trong KCN. Chất thải rắn của KCN được thu gom 100% và được phân loại riêng thành chất thải không nguy hại, chất thải y tế và chất thải nguy hại.
– Quản lý cây xanh: Công ty đã hợp đồng với một doanh nghiệp chuyên chăm sóc cây xanh cho toàn KCN. Đến nay, toàn bộ diện tích cây xanh trong KCN chiếm khoảng 23,5% tổng diện tích của KCN.
– Quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC): Hàng năm, Công ty tổ chức lớp tập huấn PCCC cho toàn bộ cán bộ công nhân viên; định kỳ công an PCCC kiểm tra công tác PCCC của KCN 3 lần/năm; kho hóa chất dùng cho trạm xử lý nước thải được thiết kế theo tiêu chuẩn nhà kho chống cháy nổ với sự chấp thuận của công an PCCC.
– Chất lượng quản lý môi trường: kết quả quan trắc định kỳ về nước thải và khí thải của KCN đạt tiêu chuẩn của Nhà nước về chất lượng nước thải và khí thải; định kỳ báo cáo kết quả chất lượng nước thải và khí thải tới các cơ quan chức năng; đạt kết quả tốt trong các đợt thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng; tháng 12/2010 KCN nhận được Bằng khen và Cúp của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thành tích KCN điển hình, tiên tiến trong công tác bảo vệ môi trường.
Toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của TLIP bao gồm hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc… đều được đồng bộ hóa nhằm có được thuận lợi trong vận hàng và sữa chữa, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. TLIP chỉ tiếp nhận các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao, không hoặc ít gây ô nhiễm môi trường, các dự án áp dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Với góc nhìn khách quan của nhà đầu tư KCN, chúng tôi nhận thấy thực tế công tác quản lý nhà nước về môi trường ở nước ta nói chung và các KCN nói riêng hiện nay vẫn còn một số hạn chế, gây ảnh hưởng đến công tác điều hành của chủ đầu tư KCN và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN. Với kinh nghiệm thực tế tại KCN Thăng Long, Công ty TNHH KCN Thăng Long xin đưa ra một số đề xuất và giải pháp khắc phục như sau:
– Cần nghiên cứu cải tiến công tác thanh tra tại KCN hàng năm hợp lý và hiệu quả.
– Quy định sau 3 năm công ty phải xin lại giấy phép xả thải là còn chưa thật sự hợp lý. Khi nguồn thải và doanh nghiệp xả thải không thay đổi theo chúng tôi, chỉ cần kiểm tra chất lượng nước thải và tiếp tục cấp lại giấy phép. Mặt khác, giấy phép xả thải do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp, nhưng cơ quan kiểm tra chất lượng lại là Bộ Tài nguyên và Môi trường là không hợp lý.
– Theo quy định, tất cả các KCN trên địa bàn phải có nhà máy xử lý nước thải (XLNT) thì mới được hoạt động. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vẫn còn một số nhà máy không có XLNT, vì vậy việc kiểm soát môi trường không đạt hiệu quả cao.
– Các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hiện nay vẫn đang thiên về kiểm tra các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường chỉ cần đạt được chuẩn đầu ra là đủ.
– Thủ tục lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường hiện đang áp dụng vẫn mang tính hình thức, chủ yếu dựa vào hồ sơ doanh nghiệp tự kê khai và cơ quan tư vấn. Điều quan trọng là công tác giám sát chất lượng nguồn thải tại đầu ra, thực tế thủ tục này rất tốn kém mà hiệu quả lại không cao.

Phạm Văn Lộc – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH KCN Thăng Long