KCN ở Đồng Nai
Tính đến nay, đã có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư tại 32 KCN tỉnh Đồng Nai, với tổng số 1.535 dự án, trong đó có 1.118 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 417 dự án trong nước (DDI), góp phần đưa Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh có tốc độ thu hút đầu tư lớn nhất cả nước. Các nhà đầu tư trong các KCN Đồng Nai đều cho rằng, cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại cùng công tác cải cách thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn chính là nguyên nhân để họ quyết định đầu tư tại đây.

Thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh đạt kết quả tốt

Tỉnh Đồng Nai có 32 KCN đã được thành lập với tổng diện tích đất là 10.240,57ha. 4.890,53ha là tổng diện tích đất đã được cho thuê, đạt tỷ lệ 71,56% diện tích đất công nghiệp dành cho thuê (6.833,77ha).

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cấp Giấy phép đầu tư cho 30 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đạt 190,61 triệu USD; 07 dự án DDI, với tổng vốn đầu tư đạt 2.105 tỷ đồng; điều chỉnh 211 dự án FDI, trong đó 41 dự án thực hiện điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng 347,65 triệu USD, 02 dự án điều chỉnh giảm vốn với số vốn giảm 1,50 triệu USD; điều chỉnh 07 dự án DDI, trong đó có 03 dự án tăng vốn với số vốn tăng là 290 tỷ đồng.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng vốn thu hút đầu tư của các dự án FDI và DDI tại các KCN tỉnh Đồng Nai (bao gồm cấp mới, điều chỉnh tăng và giảm vốn) là 536,76 triệu USD, đạt 53% kế hoạch năm 2017 và 2.395 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch năm 2017.

KCN NT6
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6, tỉnh Đồng Nai

Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết, các dự án FDI được cấp mới tập trung chủ yếu tại các KCN: Long Đức, An Phước, Nhơn Trạch I, Bàu Xéo, Hố Nai,… Đây là các KCN có hạ tầng bộ và hiện đại, đặc biệt công tác quản lý môi trường được các chủ đầu tư rất quan tâm, chủ yếu tiếp nhận các dự án có công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường.

Tính đến nay, các KCN tỉnh Đồng Nai thu hút được 1.535 dự án, trong đó có 1.118 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 21.437,67 triệu USD, vốn thực hiện 15.955,43 triệu USD và 417 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 50.395,70 tỷ đồng. Tạo việc làm cho khoảng 531.800 lao động, trong đó 6.413 lao động là người nước ngoài.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Quản lý cấp 2.900 Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN mẫu D cho các doanh nghiệp với trị giá hàng xuất khẩu 158 triệu USD.

Nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN 6 tháng đầu năm 2017 đạt kết quả khả quan. Các chỉ tiêu chung đạt cao hơn hoặc bằng so cùng kỳ vào năm 2016

Công tác quản lý nhà nước hiệu quả

Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách hành chính (CCHC). Cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại kết hợp với việc thực hiện ISO 9001:2008 được Ban Quản lý triển khai mạnh mẽ và góp phần giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Luôn quan tâm đến đời sống của người lao động, vì vậy Ban tích cực vận động các nhà đầu tư triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân. Tính lũy kế đến nay, có 17 dự án nhà ở công nhân phục vụ công nhân trong KCN; trong đó có 03 dự án do Công ty kinh doanh nhà đầu tư, 14 dự án do các Công ty hạ tầng và doanh nghiệp trong KCN đầu tư. Riêng năm 2016, Công ty IDICO – KCN Nhơn Trạch I đã đưa vào sử dụng 400 căn hộ (giai đoạn 2).

Không chỉ quan tâm đến hoạt động thúc đẩy thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai luôn theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư KCN làm tốt công tác quản lý môi trường, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự trong KCN.

Đến nay, có 24/32 KCN đã thành lập Đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành, trong đó 21/21 KCN có tỷ lệ lấp đầy trên 60% đã thành lập Đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành. Ban cũng thường xuyên phối hợp với các sở, ngành trong công tác kiểm tra môi trường tại doanh nghiệp trong KCN, qua đó doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường.

Trong 6 tháng cuối năm 2017, phát huy những kết quả khả quan đã đạt được và tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

– Tiếp tục thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hạn chế những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường,…

– Đôn đốc các công ty hạ tầng xây dựng đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành; tổ chức hậu kiểm các doanh nghiệp đã cấp giấy phép xây dựng; rà soát quy hoạch các KCN.

– Phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm triển khai tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thanh tra tình hình chấp hành an toàn vệ sinh thực phẩm tại các doanh nghiệp trong các KCN; triển khai hậu kiểm đối với các doanh nghiệp trong các KCN.

– Phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham gia thanh tra về việc chấp hành pháp luật lao động, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ; cập nhật các văn bản quy phạm hướng dẫn Bộ luật Lao động 2012 để triển khai hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện.