khu chế xuất
Lũy kế đến nay, có 623 dự án thứ phát đang hoạt động tại các KCN trên địa bàn Hà Nội, trong đó có 327 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 5,38 tỷ USD; 296 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 12.235 tỷ đồng.

Kết quả hoạt động của các KCN, KCX Hà Nội trong quý I/2017

Trong quý I/2017, các KCN trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thu hút được 02 dự án đầu tư mới tại KCN Quang Minh I, với  tổng số vốn đăng ký là 6 triệu USD và 150 tỷ đồng.

Lũy kế đến nay, có 623 dự án thứ phát đang hoạt động tại các KCN trên địa bàn Hà Nội, trong đó có 327 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 5,38 tỷ USD; 296 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 12.235 tỷ đồng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp KCN, KCX Hà Nội trong quý I/2017 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định: doanh thu đạt 1.755 triệu USD, bằng 107,9% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 25,8% so với kế hoạch năm 2017; nộp ngân sách nhà nước 453 triệu USD, bằng 119,4% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 24,9% so với kế hoạch năm 2017; kim ngạch nhập khẩu các KCN ước đạt 871 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 24,4% so với kế hoạch năm 2017 đề ra.

Trong quý I/2017, tổng số lao động làm việc tại các KCN trên địa bàn thành phố Hà Nội là 144.968 người; tăng 3.460 người so với cùng kỳ năm 2016.

công nhân làm việc
Công nhân làm việc trong KCN trên địa bàn Hà Nội

Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội đã tiếp nhận, xem xét, hướng dẫn chỉnh sửa và ký xác nhận cho 05 bộ hồ sơ nội quy lao động; tiếp nhận 44 thang bảng lương, 04 thỏa ước lao động tập thể; xem xét giải quyết và cấp phép 148 bộ hồ sơ xin giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc trong KCN.

Ban Quản lý cũng cấp Giấy phép xây dựng cho 04 dự án; xác nhận công trình trên đất cho 03 dự án; thẩm định thiết kế cơ sở 01 dự án; phê duyệt tổng mặt bằng cho 06 dự án. Đồng thời rà soát, đánh giá tình hình chấp hành các quy định pháp luật về trật tự xây dựng đối với 64 doanh nghiệp chưa nộp phí hạ tầng trong các KCN để lập Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quy định về trật tự xây dựng; tích cực đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng KCN Quang Minh II, Khu Công nghệ cao sinh học Hà Nội, KCN Thạch Thất – Quốc Oai khẩn trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết để đẩy nhanh tiến độ…

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức giao ban với các công ty kinh doanh hạ tầng để trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; cử cán bộ đại diện thường trực tại 7/9 KCN đang hoạt động trên địa bàn, qua đó đã tiếp nhận tại chỗ 41 thủ tục hành chính đơn giản cho doanh nghiệp; tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, quận/huyện có KCN rà soát, thống nhất kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp để hoàn thiện danh sách báo cáo UBND Thành phố, tránh chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường lao động, việc làm của các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn thành phố, phối hợp với các đơn vị liên kết, trường nghề để giới thiệu nguồn lao động vào các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn.

Kế hoạch 9 tháng cuối năm 2017

Trong 9 tháng cuối năm, các KCN và KCX trên địa bàn Hà Nội phấn đấu đạt doanh thu 5.040 triệu USD, tăng khoảng 6,5%; nộp ngân sách nhà nước đạt 135 triệu USD, tăng khoảng 14,7%; xuất khẩu 2.900 triệu USD, tăng khoảng 6,2%; nhập khẩu 2.600 triệu USD, tăng khoảng 3,0%.

Để thực hiện được các chỉ tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tập trung xây dựng, phát triển các KCN, khu công nghệ cao đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như người lao động để tạo sự phát triển bền vững, gắn bó doanh nghiệp với KCN, gắn bó người lao động với doanh nghiệp; triển khai Chương trình xúc tiến đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCN, tạo cơ hội lựa chọn những dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường đầu tư vào các KCN, khu công nghệ cao để phát huy hiệu quả sử dụng đất trong các KCN, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp thành phố.

Đồng thời, chủ trì và tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp KCN; tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề bất cập trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các KCN; đôn đốc các phòng, đơn vị, các doanh nghiệp KCN thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra; phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng, UBND các quận/huyện có KCN tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động xây dựng, hạn chế tối đa các hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng tại các KCN; rà soát, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án theo tiến đồ đầu tư đã được chứng nhận đăng ký.

Bên cạnh đó, Ban cũng chủ động nắm bắt thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp trong các KCN. Thông qua các Trường Cao đẳng, Trường nghề và các Trung tâm dịch vụ việc làm để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ công, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác triển khai các quy định của pháp luật; xây dựng kế hoạch triển khai tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp KCN thực hiện các quy định pháp luật mới trong mọi lĩnh vực nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp cũng như người lao động.

PHẠM KHẮC TUẤN – Trưởng ban, Ban Quản lý các KCN và chế xuất Hà Nội