ban quản lý các kcn Hải Dương
Sau 10 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Ban, ngành Trung ương và sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; đặc biệt với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của tập thể CBCC-VC, BQL đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực nhiệm nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển KCN của tỉnh Hải Dương.

Quá trình thành lập và hoàn thiện tổ chức bộ máy

Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương (BQL) được thành lập ngày 13/5/2003 theo Quyết định số 96/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng và nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn tỉnh. Từ 09 cán bộ, công chức với 02 phòng chuyên môn vào thời điểm bắt đầu thành lập, đến nay, tổ chức bộ máy và cán bộ của BQL đã được củng cố, kiện toàn và ngày càng được hoàn thiện, phát triển lớn mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác được giao. Theo thẩm quyền và phân cấp, ủy quyền của các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hải Dương, BQL được thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, lao động; quản lý các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN. Đến năm 2008, BQL đã hội tụ đủ các điều kiện để được xếp là Ban Quản lý hạng I.

bql kcn tỉnh Hải Dương

Cơ cấu tổ chức của BQL gồm 07 phòng chuyên môn gồm: Văn phòng, Phòng Thanh tra, Phòng Quản lý đầu tư, Phòng Quản lý quy hoạch, xây dựng và môi trường, Phòng Quản lý doanh nghiệp, Phòng Quản lý lao động, Phòng đại diện Ban Quản lý tại KCN và 01 đơn vị sự nghiệp trực thuộc: Trung tâm giới thiệu việc làm. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm giới thiệu việc làm đã tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động cho 65.000 lượt người; hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tuyển dụng được hơn 15.000 lao động; đào tạo, nghề cho hơn 2.000 lao động.

Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, từng bước cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần cho NLĐ, Công đoàn các KCN được thành lập năm 2008, tổ chức bộ máy từng bước hoàn thiện và đi vào hoạt động ổn định, quản lý trực tiếp 77 công đoàn cơ sở với hơn 52.000 đoàn viên công đoàn. Trong thời gian qua, Công đoàn các KCN đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa người lao động và chủ doanh nghiệp.

Những đóng góp đáng ghi nhận

Về quy hoạch phát triển KCN: Năm 2003, tỉnh Hải Dương có 03 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục các KCN tập trung trong cả nước. BQL các KCN đã tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 18 KCN thuộc danh mục các KCN tập trung trong cả nước với tổng diện tích đất quy hoạch là 3.710 ha.

Các KCN của tỉnh được quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các KCN trong cả nước, quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển công nghiệp và quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Hải Dương đến năm 2020. Các KCN được quy hoạch có vị trí thuận lợi cho việc đầu tư phát triển trước mắt và mở rộng quy hoạch về sau. Việc quy hoạch KCN được thực hiện đồng bộ gắn với quy hoạch phát triển các khu nhà ở cho chuyên gia, người lao động và khu dịch vụ cho các KCN, là một trong những điều kiện thuận lợi để xây dựng thành công và phát triển các KCN một cách bền vững.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 10 KCN và 01 phân khu được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích đất quy hoạch là 2.397 ha; diện tích đất đã bàn giao xây dựng hạ tầng các KCN là 1.349 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN trên diện tích đất thực tế đã giao đất, xây dựng hạ tầng đạt 51%; đã có 12 dự án đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.970 tỷ đồng, vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KCN đã thực hiện là 2.704 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45,3%, trong đó chủ yếu là nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư hạ tầng trong nước.

Về thu hút đầu tư: Trong thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng từ việc khủng hoảng kinh tế trên phạm vi toàn cầu song môi trường đầu tư cùng các chính sách hấp dẫn, thủ tục được hoàn thành nhanh chóng nên nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn đầu tư vào các KCN của tỉnh, mạnh dạn phát triển các dự án và đầu tư mới dây chuyền thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm và chủ động mở rộng thị trường đầu ra.

nhà máy TOWADA
Nhà máy trong KCN thuộc Hải Dương

Đến nay, các KCN của tỉnh đã thu hút được 163 dự án đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 1,7 tỷ USD, đạt 56,7% nguồn vốn đầu tư đăng ký. Hiện nay có 02 dự án đang thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư tại KCN Đại An là: dự án mở Bệnh viện Quốc tế Canada với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD và dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng cho thuê phục vụ cho các doanh nghiệp Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư là 65 triệu USD. Hầu hết các dự án đầu tư vào các KCN là các dự án đầu tư nước ngoài, có công nghệ tiên tiến, không gây ô nhiễm môi trường, thuộc các tập đoàn đầu tư lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Canada, Malaysia, Pháp… với lĩnh vực sản xuất chủ yếu là điện, điện tử, may mặc. Các KCN có hiệu suất thu hút đầu tư khá cao, vốn đầu tư bình quân là 18,5 triệu USD/01 dự án, hiệu quả sử dụng đất là 6,4 triệu USD/01 ha.

Trong các KCN đã có trên 100 dự án đi vào hoạt động, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Tính đến hết năm 2012, sau 10 năm hoạt động, các doanh nghiệp trong các KCN có doanh thu trên 46.000 tỷ đồng; giá trị sản phẩm công nghiệp đạt gần 36.000 tỷ đồng, đóng góp gần 40% tổng giá trị sản phẩm công nghiệp của tỉnh; giá trị xuất khẩu trên 37.000 tỷ đồng, chiếm 90% tỷ trọng xuất khẩu của tỉnh; nộp ngân sách cho nhà nước gần 1.000 tỷ đồng.

Giải quyết việc làm: Các KCN của tỉnh đã giải quyết việc làm ổn định cho trên 6,3 vạn lao động trực tiếp, trong đó có 75 % lực lượng lao động tại địa phương; mức thu nhập bình quân của người lao động làm việc trong các KCN đạt 2,8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã góp phần xây dựng đội ngũ công nhân lao động làm việc có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật và có tính chuyên môn hóa cao, tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ và cách quản lý tiên tiến, hiện đại của các nước phát triển. Sự phát triển các KCN trong thời gian qua đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lớn lao động gián tiếp có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau phục vụ cho hoạt động đầu tư xây dựng, cung ứng dịch vụ sản xuất, thương mại, đặc biệt là hoạt động dịch vụ ngoài hàng rào KCN như: nhà ở, ăn uống, vận chuyển, chế biến thực phẩm… tại các vùng phụ cận có đất thu hồi phát triển các KCN.

Ghi nhận đóng góp to lớn từ toàn thể thành viên Ban quản lý các KCN Hải Dương trong suốt chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển, Ban quản lý các KCN đã vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quí do Chính phủ và các Bộ, ngành trao tặng: Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam; Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và BCH Đảng bộ tỉnh Hải Dương…

Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới

Để xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các KCN trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH tại địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, BQL các KCN xác định cần tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các KCN với các nhiệm vụ chủ yếu sau:

–  Tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, cách thức KCN phát triển, đảm bảo sự đồng thuận cao của các cấp chính quyền, nhân nhân địa phương vì mục tiêu sớm đưa tỉnh Hải Dương đến năm 2020 trở thành một tỉnh công nghiệp; tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng các KCN; quản lý tốt quy hoạch các KCN đã được duyệt qua; đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng đầu tư theo đúng tiến độ được duyệt, chú trọng xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.

– Thúc đẩy công tác đầu tư, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các dự án lớn, hàm lượng giá trị công nghệ cao; chú trọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài từ các nước có trình độ phát triển nhằm từng bước chuyển mục tiêu từ việc chỉ thu hút các dự án gia công, lắp ráp sử dụng lực lượng lao động lớn,… sang thu hút các dự án mang lại giá trị cao, mang tính đóng góp nhiều cho ngân sách đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh trật tự tại địa phương.

–  Cán bộ cần nâng cao năng lực và tác phong làm việc chuyên nghiệp theo xu thế đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là trong giải quyết các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực công tác chuyên môn được phân cấp, ủy quyền nhằm tạo ra điều kiện thuận lợi nhất, nhanh nhất về thời gian cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án; phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và chính quyền địa phương thực hiện tốt Quy chế phối hợp đã được cơ quan chức năng ban hành nhằm mang lại sự tin tưởng để các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh trong KCN.

–  Đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp đầu tư trong KCN, nhằm đưa hoạt động của các doanh nghiệp đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành; chỉ đạo các doanh nghiệp sử dụng quỹ đất một cách tiết kiệm nhưng đem hiệu quả cao, góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế; phải quan tâm lưu ý đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động tại các doanh nghiệp trong KCN,  đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp và các KCN phát triển bền vững.

Mai Đức Chọn – Trưởng ban, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương