công nghiệp

Sau khi Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về KCN, KCX, KKT (gọi tắt là Nghị định 29) được ban hành, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 04/2/2009 qui định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KKT Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa.
Theo Quyết định số 348/QĐ-UBND thì hầu hết các chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh đã được phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý (BQL) KKT Nghi Sơn. Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đề nghị các bộ, ngành ủy quyền cho BQL KKT Nghi Sơn một số chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành có liên quan. Do đó, đến nay BQL KKT Nghi Sơn đã thực hiện phần lớn công tác quản lý nhà nước trong KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh ở các lĩnh vực: đầu tư, xây dựng, quản lý doanh nghiệp, lao động, đất đai, môi trường… theo ủy quyền phù hợp với quy định tại Nghị định 29.

Sau hơn hai năm thực hiện Nghị định 29, KKT Nghi Sơn đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, đó là:
– Việc ban hành Nghị định 29 đã góp phần tạo hành lang pháp lý cho tạo dựng một môi trường đầu tư và đầu tư đặc biệt thuận lợi tạo sức hút để các dự án đầu tư vào KKT, điều chỉnh các hoạt động KKT và thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, kịp thời tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách áp dụng cho KKT.
– Tăng cường phân cấp và tạo điều kiện cho BQL thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ”, trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính về quy hoạch, xây dựng, đầu tư, môi trường, doanh nghiệp, lao động… đảm bảo phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng.
– Thống nhất được các chính sách ưu đãi trong KKT với mức ưu đãi vượt trội về thuế thu nhập, thuế xuất nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng mặt đất, mặt nước, thời gian thuê đất… tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút đầu tư và phát triển các KKT.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 29 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, đó là:
– Về công tác đăng ký kinh doanh: Nghị định 29 quy định BQL có nhiệm vụ thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong KKT. Tuy nhiên, tại Nghị định 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đăng ký doanh nghiệp lại không quy định việc thành lập Phòng đăng ký kinh doanh tại KKT, do đó, đến nay BQL KKT Nghi Sơn chưa thực hiện được công tác cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành lập pháp nhân mới không gắn với dự án đầu tư tại KKT.
Về công tác quản lý lao động: Nghị định 29 quy định Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trực tiếp ủy quyền cho BQL KKT Nghi Sơn thực hiện nhiệm vụ theo nội dung tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 37. Tuy nhiên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không trực tiếp ủy quyền về một số nhiệm vụ quản lý lao động trong KKT Nghi Sơn cho BQL mà ủy quyền cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa là cơ quan quản lý lao động của tỉnh theo quy định tại Thông tư số 13/2009/TT-BLĐTBXH ngày 06/5/2009. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa ủy quyền lại cho BQL thực hiện đăng ký Nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại KKT Nghi Sơn và các KCN trong tỉnh. Do đó, BQL KKT Nghi Sơn chưa có thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ quản lý về lao động trong KKT Nghi Sơn.
Về công tác quản lý tài nguyên và môi trường: tại Điều 86 Nghị định 181/2004/NĐ-CP và Điều 38 Nghị định 29 quy định BQL quyết định mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và mức miễn giảm theo từng dự án dựa vào giá đất do UBND tỉnh quyết định. Tuy nhiên, tại Điểm 2, Điều 6, Nghị định 142/2005/NĐ-CP thì đơn giá thuê đất lại do UBND tỉnh quy định. Do đó, việc quyết định mức thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất của BQL theo quy định tại Nghị định 181/2004/NĐ-CP và Nghị định 29 không thực hiện được; UBND tỉnh Thanh Hóa chưa ủy quyền cho BQL thực hiện nhiệm vụ chủ trì, phối hợp kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường sinh thái; quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
 Về công tác cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh đối với doanh nghiệp du lịch nước ngoài trong KKT: Nhiệm vụ trên được quy định rõ tại Nghị định 29, nhưng đến nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa ủy quyền cho Ban thực hiện nhiệm vụ này.
Về công tác thanh tra: Nghị định 29 quy định BQL xếp hạng I được thành lập phòng Thanh tra để thực hiện nhiệm vụ giám sát, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến KKT, KCN. Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2004, Nghị định và các văn bản khác chỉ quy định tổ chức Thanh tra theo cấp hành chính, Thanh tra các cấp. Theo Nghị định 13/2008/NĐ-CP, BQL không phải là cơ quan chuyên môn cấp sở, đồng thời cũng chưa có văn bản pháp lý quy định chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Thanh tra BQL.
Về áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Đối với KKT: giữa Luật Đầu tư, Nghị định 29 và Luật Thuế TNDN không có sự thống nhất trong chính sách ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư trong KKT. Luật Đầu tư và Nghị định 29 quy định các dự án đầu tư tại địa bàn KKT (kể cả dự án đầu tư mở rộng) được hưởng ưu đãi đầu tư (trong đó, có ưu đãi về thuế TNDN) tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, không phụ thuộc vào yếu tố pháp nhân của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Thuế TNDN năm 2008 và Nghị định 124/2008/NĐ-CP chỉ quy định các các doanh nghiệp được thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện khó khăn mới được hưởng các chế độ đãi ngộ về thuế TNDN. Đối với các KCN: Nghị định 29 quy định KCN là địa bàn ưu đãi đầu tư, tuy nhiên, Luật Thuế TNDN năm 2008 và Nghị định 124/2008/NĐ-CP không quy định KCN là địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn nên không được hưởng ưu đãi về thuế TNDN.
Về mô hình quản lý: Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ của BQL trong công tác quản lý KKT chỉ đơn thuần là các lĩnh vực về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng… Tuy nhiên, phạm vi KKT không đơn thuần như KCN là chỉ có các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh mà bao gồm nhiều khu chức năng khác nhau và cả khu dân cư sinh sống nên có nhiều vấn đề xã hội khác nảy sinh như an ninh trật tự, môi trường sinh thái, an sinh xã hội… song những vấn đề trên lại do các cấp chính quyền địa phương quản lý. Mặt khác, hai nhóm vấn đề trên trong địa phận KKT lại ảnh hưởng trực tiếp đến nhau nên có nhiều trường hợp xảy ra không được giải quyết thấu đáo do không có sự rõ ràng trong thẩm quyền giải quyết giữa các cơ quan.
Hoạt động của KKT, KCN, KCX liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nên bộ máy quản lý như hiện nay vẫn chưa phù hợp và không tương xứng với vị trí, vai trò quản lý, vì vậy chưa tạo nên sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành KKT, KCN, KCX trong tiến trình CNH, HĐH của đất nước.
Với những khó khăn và vướng mắc nêu trên, để hoạt động của KKT thực sự là môi trường đầu tư kinh doanh thuận tiện và có hiệu quả, trong thời gian tới kiến nghị, bổ sung, hoàn thiện một số nội dung sau:
– Xây dựng và ban hành Luật KKT, KCN, KCX để tạo nên hành lang pháp lý đầy đủ, tính pháp lý cao, có sự thống nhất trong quản lý KKT, KCN, KCX để tránh tình trạng một số nội dung không thống nhất giữa Nghị Định 29 và các văn bản pháp luật
– Xem xét hình thành một cơ quan quản lý KKT, KCN, KCX của cả nước (có thể là cấp tổng cục hoặc cục); quy định nhất quán trong việc thực hiện chức năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong KKT của BQL; ban hành quy định thống nhất trong việc áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với các dự án đầu tư trong KKT và các KCN; quyết định thành lập, quy định lại chức năng, nhiệm vụ và hướng dẫn thực hiện mô hình quản lý KKT theo hình thức “Đô thị kinh tế”, trong đó, BQL là cơ quan quản lý mọi mặt trong KKT; xem xét, điều chỉnh nội dung về điều kiện mở rộng KKT; xem xét, điều chỉnh nội dung quy định về điều kiện thành lập mới KCN trong tỉnh nhằm tạo cơ hội thu hút các dự án đầu tư phù hợp với thế mạnh của vùng.
– Chính phủ, Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, hướng dẫn hoạt động Thanh tra KKT và ban hành chi tiết chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các hoạt động trong KKT.
– Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét ủy quyền trực tiếp cho BQL thực hiện nhiệm vụ: thẩm định đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động, lập các kế hoạch để đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài dưới 3 tháng cho doanh nghiệp; nhận báo cáo về tình hình ký kết, sử dụng, chấm dứt hợp đồng lao động của doanh nghiệp… theo quy định tại Nghị định 29.
– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền cho BQL thực hiện nhiệm vụ cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh đối với doanh nghiệp du lịch nước ngoài trong KKT.
– UBND tỉnh ủy quyền cho BQL quyết định đơn giá thuê đất cho từng dự án cụ thể đầu tư trong KKT và nhiệm vụ chủ trì, phối hợp kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường sinh thái; quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Trần Chí Thanh – Chánh Văn phòng, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa